Bản Lao Khô của đồng bào Mông, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) nằm trọn trong thung lũng nhỏ Phiêng Sa, là vùng có 8 km đường biên giới giáp với huyện Xiềng Khọ (CHDCND Lào). Bản được UBND tỉnh Sơn La đánh giá là điểm sáng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới ở vùng biên trong những năm gần đây. Bộ đội biên phòng Đồn 461 và gia đình ông Tráng Lao Lử (con cả của cụ Tráng Lao Khô). |
Từ Trung tâm huyện lỵ Yên Châu theo quốc lộ 6 hướng Hà Nội - Sơn La rẽ trái theo tỉnh lộ 103 vào đến bản Lao Khô khoảng 47 km. Nơi đây có Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, với những giá trị lịch sử to lớn, khẳng định mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Đây là nơi ghi đậm dấu ấn các hoạt động cách mạng thời kỳ 1948 - 1950 của Ban xung phong Lào - Bắc do ông Cayxỏn Phômvihản làm Trưởng ban và là người chủ trì thành lập Quân bản Ítxala, tiền thân của Quân đội nhân dân Lào ngày nay. Trưởng bản Tếnh Lao Lánh cho biết: Lao Khô có diện tích tự nhiên 750 ha, trong đó 160 ha thuộc đất sản xuất, với tổng số gần 100 hộ dân, hơn 500 nhân khẩu, gồm 7 dòng họ người Mông là họ Tráng, Sồng, Tếnh, Dừ, Vàng, Giàng và họ Lở cùng cư trú, đoàn kết bảo vệ vùng biên ải Tổ quốc.
Trước giải phóng, đời sống của người Mông Phiêng Sa (Lao Khô) còn nhiều khó khăn, chỉ biết trồng cây thuốc phiện nộp cho "thống lý” (một chức dịch thời phong kiến) để đổi lấy muối ăn, dầu thắp sáng, gieo trồng thì lấy cây chọc lỗ để tra hạt, nên bà con thường xuyên bị đói khổ, mất mùa. Giờ đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Chính phủ làm đường giao thông, kéo điện về tận bản, nhà nào cũng được xem ti vi, nghe đài, bản có lớp học từ mẫu giáo đến tiểu học, có nhân viên y tế bản chăm sóc sức khỏe cho mọi người. "Bây giờ người Mông ta không còn lạc hậu nữa, nhà nào cũng đủ ăn, có xe máy, nhiều nhà có ô tô riêng chở nông sản như ngô, thóc ra tận huyện bán lấy tiền mua sắm cho gia đình”, già làng bản Lao Khô cho biết.
Hiện bản đã triển khai trồng ngô lai bằng giống mới NK54, NK66 với 85 ha ngô hàng hóa. Ngoài ra là 70 ha nương lúa, được bà con chăm sóc tốt nên đã đảm bảo lương thực tại chỗ. Cả bản có 250 con trâu bò, vừa phục vụ cày kéo tại chỗ, đồng thời bán và cung cấp giống cho các bản quanh vùng.
Để kinh tế phát triển, nhiều hộ ở bản Lao Khô đã mở thêm dịch vụ mua bán nông sản, xây dựng chợ đường biên, không chỉ thu hút bà con các bản quanh vùng đến họp chợ phiên, mà còn thu hút nhiều bà con ở các bản giáp biên của huyện Xiềng Khọ (Lào) đến chợ Khao Khô mua bán, trao đổi hàng hóa, mua thuốc chữa bệnh, mua giống nông sản...
Ông Tráng A Tra, Bí thư chi bộ bản Lao Khô, cho biết: Chi bộ có 15 đảng viên, mỗi đảng viên được phân công giúp một hộ nghèo, đồng thời tuyên truyền bà con trong bản thực hiện tốt Quy chế biên giới. Ngoài việc thành lập các cụm liên gia tự quản đường biên mốc giới, chi bộ còn giao cho lực lượng thanh niên, dân quân của bản thường xuyên phối hợp với Trạm kiểm soát biên phòng Keo Muông, bộ đội biên phòng Đồn 461 bảo vệ tốt biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới Tổ quốc.
theo Baotintuc
|