Trang chủ » Tin tức sự kiện » Tin tức du lịch |
Ngỡ ngàng ngắm hoa ban rồi… chén
Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu (Sơn La) đang xây dựng tour khép kín ngắm hoa ban, học cách chế biến món ăn từ hoa ban rồi... đánh chén! Sản phẩm...
- Đăng bởi: Guest
- Đăng ngày: 18.07.2012
- 1152 lượt xem
- 0 bình luận
Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu (Sơn La) đang xây dựng tour khép kín ngắm hoa ban, học cách chế biến món ăn từ hoa ban rồi... đánh chén! Sản phẩm du lịch này vừa lãng mạn, tinh tế và ngon miệng! Kể cũng lạ, dường như ở vùng Tây Bắc này, hễ chỗ nào có hoa ban là có người Thái. Để đến mùa ban, các bà các cô lại tranh thủ lúc đi nương hái một giỏ hoa về chế biến thành nhiều món ngon. Rẽ lối lên rừng hoa Chỉ khi hoa mận, hoa đào tàn dần theo mùa xuân, hoa ban mỏng manh, khiêm nhường mới khoe sắc trắng. Đúng thời điểm ban nở rộ đẹp nhất ở huyện Mộc Châu, bà Lữ Thị Mai (dân tộc Thái trắng ở bản Áng 2, xã Đông Sang) dẫn chúng tôi lên rừng lấy hoa. Đứng dưới chân núi nhìn lên, chỗ thì ban nở trắng núi trắng đồi, nở trắng muốt dọc ngang trên các con đường. Ấy thế mà lần theo con đường đất đỏ hướng tới những cánh ban trắng phất phơ chờ đợi, đoàn khách cũng mất tới gần nửa giờ đồng hồ vì phải lần mò qua những đám cây bụi. Bà Mai nhẹ nhàng hái từng bông hoa ban. Mồ hôi lấm tấm, tay chân xước xát vì gai cào nhưng chúng tôi đều phấn chấn khi đứng dưới rừng ban rập rờn hoa. Những cánh hoa phơn phớt hồng đan cài, ôm ấp lấy nhau. Trên đỉnh cao lộng gió, hương hoa ban lúc thoang thoảng, khi ngào ngạt đủ để khiến nổ ra một cuộc tranh cãi nhỏ mọi người bắt đầu tranh cãi xem giống mùi thơm của loại hoa nào? Ngọc lan, lan rừng hay hoa hồng? Còn tôi chắc chắn đó là hương hoa… ban! Tiếng Thái, ban nghĩa là đẹp, ngon và gắn liền với thân phận người phụ nữ Thái mảnh mai, chung tình. Có lẽ bởi thế, bà Lữ Thị Mai hái hoa nhẹ nhàng, nâng niu lắm. Bàn tay níu nhẹ cành ban dày đặc hoa xuống, khẽ dùng móng tay bấm từng cuống hoa, rồi nhẹ nhàng thả vào chiếc giỏ đeo bên hông. Hoa ban lạ thế, trên cây tươi tắn rạng ngời, nhưng rời cành một lát đã ủ rũ héo hắt rồi. Nếu lỡ tay vò nát, hoặc để giập cánh, mang về đến nhà sẽ thâm đen lại, ăn cũng không còn ngon ngọt nữa. Bà Mai vừa hái hoa, vừa kể cho chúng tôi câu chuyện tình thủy chung giữa nàng Ban xinh đẹp với chàng Mạ kiêu dũng ở quê bà. Đó là khởi nguồn của hai loài hoa gắn liền với lễ hội Hết Chá của người Thái xã Đông Sang. Nhặt cánh và nhụy hoa ban để chế biến món ăn. Món ngon từ hoa ban Về nhà bà Mai, chúng tôi bắt tay học chế biến món ăn từ hoa ban! Nào là hoa ban xào, nộm, nấu canh, nhồi cá (trần hoa, bóp nhuyễn, nhồi vào bụng cá), nhồi thịt gà nướng… Bà Mai tủm tỉm: "Mỗi món có cách chế biến riêng của nó. Từ ban xào, ban đồ, ban nhồi đều phải công phu, tỉ mỉ”. Hoa ban hái về, nhặt lấy cánh và nhụy hoa nhẹ nhàng đem rửa nước sạch, trần qua nước nóng. Để ráo nước, đem vò nát rồi trộn thịt băm, gia vị rồi nhồi cá, gà. Hoặc đem xào măng, nấu canh, thổi xôi, làm nộm cùng các loại rau khác… Sau chừng hai giờ, bữa cơm hoa ban được dọn ra. Chiếc mâm truyền thống của người Thái hôm nay sáng bừng lạ lùng nhờ một hình trái tim xếp bằng hàng chục bông hoa ban, bao quanh các món ăn. Măng đắng xào bình thường có vị đăng đắng của măng, nhưng xào cùng hoa ban lại phảng phất thêm cái ngòn ngọt, bùi bùi. Bà Mai mời chúng tôi món canh khẩu bưa (canh xương nấu với bột gạo nếp, hoa ban), thấy vị ngọt của bột gạo, canh xương. Gắp mấy cánh ban đưa lên miệng thấy ngọt mát, lại mềm. Mềm vậy song cánh hoa không nát! Xem cách chế biến và thưởng thức mâm cỗ hoa ban, phóng viên Hồng Thuận của kênh truyền hình VTC8 nhận xét đã đi nhiều vùng, thưởng thức nhiều món lạ. Nhưng chưa đâu thấy có nghệ thuật ẩm thực tinh tế, lấy một loài hoa rừng làm trung tâm như vậy. Mâm cỗ đặc sắc từ hoa ban. Tour đời hoa "khép kín” Uống cạn chén rượu chia tay với chủ nhà, chúng tôi hẹn quay sẽ lại Mộc Châu để tận hưởng cảm giác một tay cầm kẹp nướng, tay kia khẽ quạt than, mắt nheo nheo vì khói, mũi không nhừng hít hà mùi thơm các loại gia vị quyện trong những món ăn hấp dẫn. Bà Lữ Thị Mai cho biết thêm đã cùng một số bạn cùng bản thành lập Câu lạc bộ du lịch Hoa Ban, phục vụ biểu diễn văn nghệ, ăn ngủ cho khách du lịch và kiêm luôn hướng dẫn viên dẫn đi ngắm hoa, dạy chế biến hoa. Hoa ban thường nở nhiều trên vòng cung du lịch Tây Bắc từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4 Dương lịch. Tại Sơn La, ban mọc nhiều nhất ở Mộc Châu (trùng với thời điểm người Thái tổ chức lễ hội Hết Chá), Yên Châu, TP. Sơn La. Ông Ngô Thành Đạo, chuyên viên Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu, cho biết, cơ quan này vừa kết nối các dịch vụ để hoàn thiện sản phẩm dẫn khách ngắm rừng hoa ban tại bản Áng 2 (hoặc thị trấn Mộc Châu, xã Chiềng Hắc, Chiềng Khoa…), hái hoa ban rồi về nhà dân học chế biến món ăn từ hoa ban. Ban quản lý sẽ tư vấn miễn phí các thông tin cần thiết để khách và lữ hành tiếp cận với tour này. Theo Bạch Nga (Đất Việt) | |
Trang chủ Bản In LinkHay Quay lại |
Bài viết cùng chuyên mục |
Bài viết khác Thưởng thức các món ăn dân tộc ở Sơn L... Khác với các món ăn thường thấy ở các khách sạn, nhà hàng, các món ăn dân tộc ở Sơn La hầu hết các nguyên liệu được lấy từ cây rừn... |
Chưa có lời bình nào ! |